Di tích Lịch sử - Văn hoá

Kỳ đài Thuận Châu trong khuôn viên sân vận động huyện có địa chỉ ở tiểu khu 1 - thị trấn Thuận Châu.

Nơi đây ghi dấu sự kiện lịch sử trọng đại: Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phái đoàn Chính phủ trong chuyến công tác Tây Bắc đã đến thăm Thuận Châu - thủ phủ của Khu tự trị Thái - Mèo. Sáng ngày 07/5/1959, hơn một vạn đồng bào các dân tộc, bộ đội, cán bộ, công nhân, nhân viên, gia đình quân nhân từ các bản, mường xa xôi, đại diện cho trên 30 dân tộc của 17 châu trong Khu tự trị nô nức mang cờ, hoa, biểu ngữ... chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn đại biểu Chính phủ. Trong không khí ấm áp của đại gia đình các dân tộc, Người nói chuyện thân mật với đồng bào, chiến sĩ các dân tộc Tây Bắc tại sân vận động huyện. Người thay mặt nhân dân Thủ đô Hà Nội trao tặng nhân dân các dân tộc Khu tự trị Thái - Mèo bức trướng mang dòng chữ: “Đoàn kết - Thi đua - Thắng lợi” được thêu bằng cả chữ Quốc ngữ và chữ Thái; thay mặt Chính phủ trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho toàn thể quân, dân, chính, Đảng của Khu tự trị Thái - Mèo về những thành tích trong kháng chiến và những tiến bộ trong hòa bình. Bác Hồ ân cần dặn dò: “...Thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, gặt cho tốt vụ chiêm, chuẩn bị tốt vụ mùa. Đồng thời phải ra sức bảo vệ rừng cho tốt. Củng cố thật tốt các tổ đổi công và hợp tác xã theo đúng nguyên tắc tự nguyện tự giác. Ra sức cải tiến kỹ thuật, làm mương phai cho tốt, làm phân bón cho nhiều, cày bừa cho kỹ, đề phòng sâu bệnh, thú rừng. Phát triển bình dân học vụ khắp nơi, làm thêm nhà trường cho con em có chỗ học. Chăm lo vệ sinh, phòng bệnh, làm cho bản mường sạch sẽ, đồng bào mạnh khỏe, sửa sang và giữ gìn đường sá để đi lại cho dễ dàng, củng cố các tổ chức dân quân và tự vệ, làm tốt công tác nghĩa vụ quân sự. Trong mọi công việc, phải ra sức giúp đỡ đồng bào ở rẻo cao...”.

anh tin bai

Kỳ đài, sân vận động thị trấn Thuận Châu nhìn từ trên cao

Ngày 07/5/1959 trở thành một mốc son lịch sử, một kỷ niệm không bao giờ quên trong đời sống của nhân dân các dân tộc Tây Bắc nói chung, nhân dân Thuận Châu nói riêng. Hình ảnh và những lời dặn dò, chỉ bảo ân cần của Bác còn in đậm mãi trong lòng cán bộ, nhân dân các dân tộc đồng bào Tây Bắc. Từ những năm còn trong khói lửa chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, các cấp tỉnh, huyện trong quá trình cải tạo nâng cấp sân vận động đã thực hiện xây dựng khu kỳ đài tại chính nơi Người đứng nói chuyện với đồng bào Tây Bắc năm xưa. Nhằm khẳng định giá trị học tập, giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ của di tích, ngày 20/4/1995, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin đã ban hành Quyết định số 1568-VH/QĐ công nhận Kỳ đài Thuận Châu là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Từ đó đến nay, di tích Kỳ đài Thuận Châu trở thành “địa chỉ đỏ” trong hành trình du lịch về với Tây Bắc của các đoàn khách trong và ngoài nước.

Trích "Lịch sử Đảng bộ thị trấn Thuận Châu"

Thông tin mới nhất






Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập