Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong tình hình mới.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ)
trong tình hình mới.
Ngày 02 tháng 4 năm 2025 UBND huyện Thuận Châu ban hành Kế hoạch số 92/KH-UBND triển khai thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong tình hình mới.
![Người lao động cần được đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng khi làm việc]()
An toàn lao động là giải pháp bảo vệ người lao động trong quá trình làm việc
Nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ trong tình hình mới.
Kế hoạch nhằm tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 31-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các chủ trương, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật Nhà nước về công tác ATVSLĐ. Nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ trong tình hình mới.
Với mục tiêu là phấn đấu giảm tai nạn lao động, nhất là tai nạn lao động nghiêm trọng, tỷ lệ tai nạn lao động chết người giảm ít nhất 4%/năm; số người lao động làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 5%/năm; số cơ sở phát sinh yếu tố có hại được quan trắc môi trường lao động tăng ít nhất 5%/năm.
![Người lao động và doanh nghiệp cần tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn lao động]()
Người lao động và doanh nghiệp cần tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn lao động
Để thực hiện mục tiêu trên, Huyện uỷ-HĐND-UBND-UBMTTQ Việt Nam, các ban ngành, đoàn thể huyện sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW, các chủ trương, quy định của Trung ương, của tỉnh về công tác ATVSLĐ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về công tác ATVSLĐ. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác ATVSLĐ. Ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ về ATVSLĐ. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác ATVSLĐ, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATVSLĐ cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động và người lao động. Đổi mới nội dung, đa dạng hoá hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng lao động, quan tâm ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao.
Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong quản lý ATVSLĐ. Chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện nghiêm công tác tự kiểm tra ATVSLĐ; thực hiện tốt Chương trình quốc gia về ATVSLĐ. Tích cực cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính theo hướng thiết thực, đơn giản, công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người lao động.
Chủ động triển khai cập nhập cơ sở dữ liệu chuyên ngành về ATVSLĐ để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, tiếp nhận và báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nâng cao chất lượng các cơ sở y tế khám, điều trị bệnh nghề nghiệp; cơ sở điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động.
Khuyến khích doanh nghiệp quan tâm, chủ động đầu tư nguồn lực trang thiết bị, máy móc sản xuất hiện đại, an toàn và đảm bảo không gian làm việc sạch sẽ, thoáng mát; đẩy mạnh thi đua trong lao động sản xuất, tạo điều kiện để người lao động đề xuất các giải pháp, sáng kiến, cải tiến công tác ATVSLĐ.