Bác Hồ với công tác phụ nữ
Lượt xem: 12

Bác Hồ với công tác phụ nữ

Với chủ trương giải phóng người phụ nữ khỏi những trói buộc với những thành kiến, Người kêu gọi “phải kính trọng phụ nữ, chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy quyền bình đẳng gái trai đều ngang quyền bình đẳng như nhau”

           

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác phụ nữ suốt cuộc đời hoạt động cách mạng không ngừng nghỉ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ với một mong muốn là đem lại tự do, ấm no và hạnh phúc cho đồng bào, cho dân tộc Việt Nam và giải phóng phụ nữ Việt Nam một cách toàn diện, triệt để khỏi thân phận nô lệ của đế quốc thực dân, thân phận nô lệ của một người phụ nữ phong kiến, lớp người phải chịu nhiều áp bức nhất, bất công nhất trong xã hội luôn là khát vọng cháy bỏng trong tâm nguyện của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố “đàn ông đàn bà đều phải bình đẳng”(1) (Đường Kách mệnh). Với chủ trương giải phóng người phụ nữ khỏi những trói buộc với những thành kiến, Người kêu gọi “phải kính trọng phụ nữ, chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy quyền bình đẳng gái trai đều ngang quyền bình đẳng như nhau”(2). Nhưng muốn được giải phóng, chị em cũng phải đấu tranh, không ngừng học hỏi, đoàn kết, làm trọn nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, đó chính là quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phụ nữ. Bác Hồ đã quan tâm đến người phụ nữ ở mọi phương diện của cuộc sống như: Đưa quyền bình đẳng nam nữ vào trong Hiến pháp năm 1946 để bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ, một hiến định đầu tiên dành cho phụ nữ Việt Nam kể từ khi dựng nước đến giờ; hay quan tâm đến chị em phụ nữ bằng những hành động thiết thực như cho đi học tập, vận động tham gia vào các sinh hoạt chính trị, để có thể sánh ngang hàng với nam giới gánh vác công việc quốc gia đại sự. Phát biểu tại lễ kỷ niệm lần thứ 36 Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (19-10-1966), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đến truyền thống yêu nước đầy tự hào của người phụ nữ Việt Nam: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam, Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta”(3). Và Người khẳng định trong Di chúc thiêng liêng: “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”(4).

Với Phụ nữ Nghệ An, trong Thư gửi đồng bào tỉnh Nghệ An (tháng 8 năm 1949), Bác viết: "Tôi rất vui lòng rằng xã nào cũng có phụ nữ tham gia Hội đồng nhân dân. Phụ nữ phải tham gia chính quyền nhiều hơn và thiết thực hơn nữa, 64 xã, tức là một phần ba trong tỉnh đã làm được: đoàn kết chặt chẽ, chính quyền củng cố, dân quân vững vàng thì hai phần ba kia phải thi đua làm được như thế"(5). Trong bài nói chuyện với cán bộ và đồng bào tỉnh Nghệ An (sáng ngày 9-12-1961), Người dặn dò: "Tỉnh ta có hơn 61 vạn phụ nữ, tức là một nửa số dân. Phụ nữ là một lực lượng lớn trong công cuộc xây dựng Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy vậy, so với nam giới thì địa vị của phụ nữ trong xã hội còn quá thấp kém. Thí dụ:Ở Hội đồng nhân dân các xã, phụ nữ chỉ được 15% tổng số đại biểu. Ở các cấp Đảng ủy và Chi ủy có 5 phần trăm là nữ đồng chí. Chúng ta phải có phương pháp đào tạo và giúp đỡ để nâng cao hơn nữa địa vị của phụ nữ”(6).

Phan Thanh Đoài 

Tác giả: Quỳnh VH - sưu tầm
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập